Hội Nghề cá Việt Nam: 2021, hướng đến chuyên nghiệp hóa
17/02/2021 | 08:22
Trải qua một năm với vô vàn bất lợi trong sản xuất, kinh doanh; nhưng Hội Nghề cá Việt Nam vẫn thể hiện tốt vai trò, vị thế của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên, doanh nghiệp; đồng thời, hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của toàn ngành thủy sản. Bước sang năm 2021, Hội tiếp tục đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa để hoạt động ngày một hiệu quả hơn.
Không ít khó khăn
Năm qua, dịch bệnh COVID-19 và mưa bão, lũ lụt lịch sử tại miền Trung đã gây nhiều ảnh hưởng lớn đến sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, hội viên; hoạt động khai thác hải sản của ngư dân, người nuôi, doanh nghiệp sản xuất chế biến thủy sản gặp nhiều bất lợi; giá cá, tôm, mực giảm, thị trường xuất khẩu, tiêu thụ thủy sản trong nước sụt giảm…
Trước tình hình đó, Trung ương Hội đã kịp thời có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản như: đề xuất cho nông dân, ngư dân, doanh nghiệp vay vốn tiếp tục sản xuất, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, tăng thêm vốn lưu động, tạm hoãn việc quyết toán thuế, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm thủy sản…
Theo Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng, năm qua, Hội đã thể hiện được tinh thần chính trị cao trong hoạt động. Cụ thể, đã thường xuyên quan tâm và chăm lo đến bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, doanh nghiệp và người sản xuất – kinh doanh thủy sản, đặc biệt là những ngư dân sản xuất trên biển. Hội đã thường xuyên theo dõi, kịp thời lên tiếng phản đối các hành vi của nước ngoài xâm phạm đến quyền lợi của ngư dân và chủ quyền biển đảo của Việt Nam; phản đối phía Trung Quốc về hành động phi pháp trong thời gian vừa qua.
Lãnh đạo Hội và lãnh đạo các ban, các đơn vị trực thuộc đã tham gia nhiều hội thảo chuyên đề về lĩnh vực thủy sản với Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản bàn các giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, thực hiện Chỉ thị 689 và Công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những hạn chế như: Mối quan hệ giữa Trung ương Hội với một số hội thành viên và hội viên tập thể còn thiếu gắn bó, thiếu trao đổi thông tin hai chiều nên thông tin không đầy đủ và thiếu kịp thời; sự phối hợp giữa tổ chức Hội với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý thủy sản còn hạn chế; hoạt động bảo vệ quyền lợi của hội viên và ngư dân, nông dân chưa kịp thời… Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung cũng như chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp của Hội. Vì vậy, đổi mới hướng đến chuyên nghiệp hóa trong hoạt động Hội là việc làm cần thiết.
Chuyên nghiệp hóa hoạt động
Để hướng tới chuyên nghiệp hóa trong hoạt động, Ban Chấp hành Hội đã đưa ra nhiệm vụ trong thời gian tới cần đẩy mạnh đổi mới hoạt động công tác Hội, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động từ văn phòng trung ương và một số Tỉnh hội trọng điểm. Tăng cường vận động để phát triển thêm nhiều hội viên tập thể là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ tham gia Hội. Xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động giữa Trung ương Hội với các đơn vị hội viên nhằm đẩy mạnh sự phối hợp hoạt động. Tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin nhằm tạo sự gắn kết giữa các tổ chức Hội.
Thực hiện hiệu quả các hoạt động hướng đến việc tập hợp, đoàn kết và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, doanh nghiệp; tạo điều kiện để họ liên kết và hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của ngành và đất nước. Phấn đấu trở thành một tổ chức xã hội được Nhà nước đánh giá cao, được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Giữ vai trò quan trọng trong xây dựng mối liên kết và chuỗi giá trị trong ngành nhằm nâng cao hơn giá trị gia tăng trong sản xuất, kinh doanh của hội viên. Cùng đó, phát huy thế mạnh và giá trị cốt lõi trong kiến tạo môi trường phục vụ hội viên. Trở thành Hội ngành hàng có trình độ phát triển ngang với các hội ngành hàng khác. Xây dựng Hội vững mạnh về quản trị, bền vững về nguồn lực tài chính đảm bảo thu nhập khá cho cán bộ, nhân viên Hội.
>> Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: “Trung ương Hội cần nghiên cứu xây dựng mô hình hoạt động “Tư vấn dịch vụ của Hội”, kết nối với doanh nghiệp và hội viên; nhằm tạo nguồn công việc và kinh phí lâu dài, gắn với đổi mới hoạt động Hội trong thời kỳ mới”. |
Bùi Định
http://www.hoinghecavietnam.org.vn/hoi-nghe-ca-viet-nam-2021-huong-den-chuyen-nghiep-hoa-nd4375.html